Ý TƯỞNG THIẾT KẾ CHÁI NHÀ ĐỦ "CỘNG - TRỪ - NHÂN - CHIA"

24/11/2022 10:05

Thông tin công trình:

  • Công trình: Chái nhà đủ Cộng + Trừ – Nhân x Chia
  • Địa điểm: Hoà Thắng, TP. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk

Chái nhà tại Buôn Ma Thuột – nơi “có cái nắng có cái gió” rất đặc trưng phiêu lãng

Tôi gọi đây là một chái nhà, trông khá ưng cái bụng như cách nói của đồng bào dân tộc, nơi tôi ghé chơi ở Buôn Ma Thuột, nơi “có cái nắng có cái gió” rất đặc trưng phiêu lãng. Trong dáng vẻ riêng của mình, góc chái nhà gợi liên tưởng đến nếp hiên truyền thống, buông lơi, mời vào, chào nhé, xõa thôi, hiu hiu, chill- chill…

Cấu trúc tổng thể không gian của ngôi nhà

Với người dân quê Việt, chái là không gian làm thêm, mở rộng từ ngôi nhà chính. Làm bếp, làm hiên, sau hay trước, 3 gian 2 chái, 5 gian 2 chái, thì vẫn gọi là cái chái ấy, gắn với đơn sơ, thân quen, tiện ích. 

Căn nhà được thiết kế không cửa thoáng trước, thoáng sauCăn nhà được thiết kế không cửa thoáng trước, thoáng sau

Không gian có đầy đủ chức năng được thiết kế xuyên suốt tạo sự kết nối liền mạch

Chái có thể không cửa hoặc khá ít cửa, thoáng trước thông sau, mái sà ra, vươn rộng, bóng đổ nghiêng che… Ở đất phương Nam hiếm ai không biết dạng nhà “thảo bạt”, một dạng nhà chuyển tiếp, nơi đón khách, dự đám tiệc hay thư giãn bên cạnh phần nhà ở chính. Cũng tựa tựa cái chái này.

Đây là một không gian có đầy đủ chức năng nhưng cũng không thiên về hẳn chức năng nào, kiểu dáng nào. Nằm tại vị trí con đường bên ngoài rẽ vào kiểu “thúc cùi chỏ”, không gian chái nhà này tạo nên nét chấm phá, giúp hoàn thiện thêm cho khu đất 400m2 trong khoảng đủ dùng chừng 50m2. 

Không lớn, nhưng trên mái còn có 1 sân ở trên cong hình con thuyền, và phần sàn dưới ăn lan ra ngoài, như vay mượn các phần xanh thoáng của khu đất. Cũng bởi nhỏ gọn, ép sát tường rào, nên chái nhà này phải làm các phép tính toán khi nhu cầu thực tế đòi hỏi, cụ thể là …

Sân thượng được thiết kế cong cong như hình mũi tuyền

Một dấu cộng cho công năng của tổng thể thêm đủ đầy, tiện lợi, cho khuôn viên thêm nét duyên lạ mà vẫn quen của hiên Việt cộng với nhà sàn Tây Nguyên.

Một dấu trừ giảm bớt áp lực cho nhà hiện hữu, để chỗ gặp gỡ, giao tiếp, dịch vụ du lịch… không quá xôn xao mà chậm rãi lại, nhờ những nhấn nhá nhẹ nhàng. 

Một dấu chia nhằm san sẻ chức năng với bếp núc pha chế, phòng vệ sinh, cũng như chia thêm mấy góc thư giãn mái trên – sàn dưới mà không phải “ép vào” ngôi nhà đang có

Và một dấu nhân chéo mạnh mẽ giúp không gian trội lên cả về hình thức lẫn nội dung, gia tăng tầm nhìn, góc ngồi, hay đơn giản là… đi đu đưa đi, ngay trong nhà mình.

Không gian rộng mở, có đủ thứ, cứ như không mà không thể thiếu được

Cộng trừ nhân chia đủ hết, có lẽ bởi Trúc Lâm Anh retreat, tên gọi của không gian này, theo nhóm thiết kế vẫn đảm đương “nhiệm vụ” tích hợp nhiều thứ trong vẻ ngoài đơn giản, biến công trình thành một dạng nhà – mà như không nhà – mà vẫn là nhà. Tôi chợt nhớ đến căn Cabin ở cuối đời thư thái chỉ trong 3,6×3,6m của Le Corbusier, hay chiếc hộp 4x4m mà Tadao Ando dựng nên ở ngoại ô Kobe. Những không gian cực kỳ nhỏ nhắn mà rộng mở, có đủ thứ, cứ như không mà không thể thiếu được.

Lối đi xanh mướt một màu dẫn vào ngôi nhà

Cấu trúc không gian từ ngôi nhà sàn dân tộc có cao độ vừa tầm thư thái, bước vài bậc sẽ đến chỗ quây quần, cũng là góc liên kết thị giác với nhà trên, xóm dưới. Công trình hầu như không có “mặt tiền” theo kiểu thông thường, mà sau mảng tường vát chéo khi qua cổng rào, một “mặt cắt” bộc lộ cấu trúc thể hiện đúng bản chất của nơi chốn. Rất thẳng thắn, mộc mạc, mà cũng rất ý nhị, duyên khéo, khi sắp xếp những “lớp, miếng, cánh” nằm liên tiếp nhau, đến cuối thì chốt bằng một khối cong bậc thang uốn lên sân trên. Tôi thấy đâu đó hình mũi thuyền độc mộc bập bềnh ghềnh thác. Tôi cũng hơi chếnh choáng chút men vò rượu cần lưu luyến lượn tròn dưới mép ngói đỏ ươm.

Vuông vức gắn thẳng rồi nghiêng, xoay chéo nâng bậc, trực diện rồi uốn cong…

Vuông vức gắn thẳng rồi nghiêng, xoay chéo rồi nâng bậc, trực diện rồi uốn cong… bàn tay nghệ nhân nào đang chỉnh nắn những khuôn thước hình học gói ghém trong tấm vải thổ cẩm mải miết nắng gió. Bàn chân đi rừng nào vẫn còn hằn dấu men theo lối nhỏ vuông vức, phẳng phiu, để rồi vui thay khi ngồi đung đưa chòm hoa giấy rực rỡ bên hiên chiêm ngắm.

Trúc Lâm Anh Retreat là gì nhỉ, khi tiếng Anh chỉ hàm nghĩa sự rút lui, thoát khỏi ồn ào phố thị, còn ý nghĩa mở rộng của vệt không gian này giống như câu hát nổi tiếng về Buôn Ma Thuột: có nỗi nhớ không mang tên…người ơi. Vâng, có mỗi thứ một chút cộng trừ nhân chia thế nên không dễ gọi tên, chỉ thấy thật phóng khoáng, đáng yêu góc nhà “thảo bạt” nhỏ nhắn này.

-Sưu tầm-

Gọi ngay: 0988.713.777